GD&TĐ - Để chuẩn bị đón trẻ mầm non, học sinh, học viên đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Vũ Đình Hưng vừa ký văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

 

 

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

 

Thứ nhất, chuẩn bị của nhà trường trong thời gian học sinh nghỉ học. Thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn, bao gồm: môi trường xung quanh, các vật dụng thường xuyên cầm, nắm như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, bàn, ghế; phòng học, nhà vệ sinh và các phòng chức năng; thiết bị thí nghiệm, đồ dùng dạy học và học liệu được sử dụng trong dạy và học, bảo đảm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm từ môi trường, lớp học và các phương tiện được giáo viên, học sinh sử dụng trong quá trình dạy và học; nhà trường liên hệ với cơ sở y tế địa phương để được cung cấp thuốc khử khuẩn hoặc chủ động mua.

Chuẩn bị nước sát khuẩn hoặc nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng tại trước cửa phòng học, phòng thí nghiệm, nhà ăn, nhà vệ sinh… những khu vực giáo viên, học sinh thường xuyên qua lại sử dụng; có hình thức phù hợp để nhắc nhở giáo viên, nhân viên, học sinh rửa tay thường xuyên.

Tập huấn cho giáo viên, nhân viên nhà trường quy trình phòng, chống dịch bệnh để thực hiện và hướng dẫn học sinh thực hiện khi trở lại trường học; giao nhiệm vụ cho giáo viên thường xuyên theo dõi, giám sát và hướng dẫn học sinh thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh được Bộ Y tế hướng dẫn;

Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục theo khung kế hoạch thời gian năm học được Bộ GD&ĐT điều chỉnh tại Văn bản số 509/BGDĐT-GDTrH ngày 22/2/2020; trong thời gian dịch bệnh chưa chấm dứt, các nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh; tổ chức chào cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi từng lớp học;

Bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại cơ quan, trường, lớp học, nơi công cộng với vị trí phù hợp, thuận tiện; Các nhà trường chủ động mua máy đo thân nhiệt để kiểm tra nhiệt độ cơ thể học sinh trước khi vào trường hoặc vào lớp.

Thứ hai, các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Hướng dẫn giáo viên thực hiện và phối hợp với gia đình học sinh hướng dẫn học sinh thực hành hằng ngày các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là rèn luyện thói quen rửa tay thường xuyên, đúng lúc, đúng cách; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi đưa, đón học sinh: Đối với các cơ sở giáo dục có dịch vụ đưa, đón học sinh bằng xe ô tô, mỗi ngày hai lần, sau mỗi chuyến đưa, đón học sinh phải tiến hành lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe; thực hiện nghiêm các yêu cầu quy định về an toàn vệ sinh, khử khuẩn trước, trong và sau khi đưa đón học sinh;

Đối với học sinh tự đi học hoặc do gia đình đưa đón, gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà;

Kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khuôn viên nhà trường (bao gồm giáo viên, nhân viên, học sinh); thực hiện việc giao nhận trẻ em, học sinh (nếu có) tại cổng trường; có biện pháp phù hợp để không cho người có biểu hiện sức khỏe không bình thường vào trường.

Thứ ba, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi học sinh đi học trở lại: Thông báo cho gia đình học sinh: Trước khi học sinh đến trường, gia đình kiểm tra thân nhiệt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở; nhắc nhở học sinh trung học phổ thông, học viên tự đo thân nhiệt trước khi đến trường (bảo đảm chỉ đến trường khi sức khỏe bình thường); không cho học sinh đến trường khi có biểu hiện không bình thường về sức khỏe;

Nhà trường tổ chức đo thân nhiệt cơ thể cho học sinh ít nhất 2 lần/ngày (trước khi vào trường và sau khi kết thúc buổi học);

Khi học tập ở trường: Giáo viên hướng dẫn, theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế: tự theo dõi bản thân (đối với học sinh phổ thông) để phát hiện kịp thời và báo cáo giáo viên khi cảm thấy sức khỏe không bình thường; thường xuyên rửa tay trước khi vào lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thực hành, thí nghiệm, sử dụng sách, vở, học liệu dùng chung; kịp thời báo cáo với lãnh đạo nhà trường khi phát hiện có học sinh không bình thường về sức khỏe để có biện pháp xử lý.

Mỗi học sinh đến trường phải có khăn lau tay riêng; Hướng dẫn học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và người dân khi tháo bỏ khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai; sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy đinh và rửa sạch tay;

Các trường nội trú bố trí thời gian ăn cho học sinh lệch nhau; làm tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; thường xuyên vệ sinh khu ở nội trú.

Các đơn vị trường học chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày; kết thúc mỗi buổi học, duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo đúng quy định; kiểm tra, bổ sung nước sát khuẩn, xà phòng và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.

Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo thực hiện các nội dung hướng dẫn nêu trên và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống dịch bệnh; báo cáo chính xác, minh bạch, kịp thời tình hình phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương và báo cáo Sở GD&ĐT (qua Phòng Giáo dục Trung học theo địa chỉ: phonggdtrh.sotuyenquang@moet.edu.vn hoặc số điện thoại: 0986.118.679 trước 10 giờ 30 phút hằng ngày để tổng hợp báo cáo Bộ GD&ĐT).

Minh Phong

Theo báo Giáo dục và Thời đại